Chủ Nhật, Tháng mười hai 8, 2024
Trang chủBài thuốc quanh taMột số bài thuốc có công năng chữa chứng hoả theo các...

Một số bài thuốc có công năng chữa chứng hoả theo các thể trạng thường gặp

Nóng trong là một quan niệm của y học cổ truyền, có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào và thường biểu hiện ra ngoài dưới nhiều hình thức như nổi mụn, nhiệt miệng, táo bón, môi khô nứt nẻ…
Một số bài thuốc có công năng chữa chứng hoả theo các thể trạng thường gặp

Thực phẩm nóng – lạnh theo y học cổ truyền

Khái niệm thực phẩm nóng – lạnh hay cơ địa hàn – nhiệt xuất phát từ y học cổ truyền Trung Quốc và được phổ biến rộng rãi tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.

Cụ thể, y học cổ truyền chia thực phẩm thành tứ vị là hàn – lương – ôn – nhiệt, tương ứng lạnh – mát – ấm – nóng. Trong đó, thực phẩm hàn – nhiệt là khái nhiệm phổ biến hơn cả. Những thực phẩm có tính nhiệt được cho là các loại thực phẩm ăn vào tạo cảm giác nóng và khô như các loại thịt đỏ, các loại gia vị (gừng, tỏi, ớt), các loại trái cây có vị ngọt (đào, nhãn, vải). Trong khi đó, những thực phẩm có tính hàn lại là các thực phẩm tạo cảm giác mát và cung cấp độ ẩm cho cơ thể, ví dụ như rau xanh, hải sản, đồ tanh (ếch, ốc).

Nhưng y học cổ truyền không khẳng định việc ăn thực phẩm nhiệt sẽ gây nóng trong người. Bởi bên cạnh thực phẩm, cơ thể con người cũng được phân thành nhiều nhóm thể chất khác nhau, phổ biến là thể nhiệt (nóng) và thể hàn (lạnh). Người có cơ địa nóng thường bị phồng rộp lưỡi, bốc hỏa và hay cảm thấy khát nước; trong khi người có cơ địa hàn thường có lưỡi nhợt nhạt, dễ bị lạnh và tiêu chảy.

Cũng theo y học cổ truyền thì những người có cơ địa nóng nên ăn thực phẩm có tính hàn, người có cơ địa hàn nên ăn nhiều thực phẩm có tính nhiệt. Thực phẩm có tính ôn thì sẽ phù hợp với tất cả mọi người. Do đó, cùng một loại thực phẩm, nhưng có người ăn vào cảm thấy nóng trong, người khác lại thấy bình thường, thậm chí là tốt. Nói cách khách, không có loại thực phẩm nào tốt hơn mà cần phải biết thể chất mình thuộc hàn hay nhiệt để bổ sung đúng loại thực phẩm phù hợp, mang lại sự cân bằng, điều hòa cho cơ thể.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định, mọi thứ đều mang tính tương đối. Tốt nhất vẫn là thực hiện chế độ ăn uống đa dạng, nhiều loại thực phẩm để đảm bảo có đầy đủ cả thực phẩm hàn – nhiệt trong chế độ ăn và không bị thiếu hụt dinh dưỡng.

Nguyên nhân gây nóng theo y học hiện đại

Y học hiện đại không ghi nhận nóng như một loại bệnh và cũng không có quan điểm hay định nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, đây là tình trạng được miêu tả ở nhiều người gặp phải và có thể kéo theo các vấn đề sức khỏe như mụn nhọt, mẩn ngứa, nhiệt miệng, dễ cáu gắt…

Theo y học hiện đại, không có thực phẩm nào là nóng hay mát, do đó, khó có thể nói thực phẩm là nguyên nhân gây nóng trong. Thay vào đó, y học hiện đại ghi nhận các yếu tố sau có thể là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng như mụn nhọt, nhiệt miệng, phát ban…:

Sử dụng các chất kích thích

Các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia hoặc thực phẩm chứa caffeine… làm tăng nhịp tim, tăng tốc độ chuyển hóa của cơ thể và cần sử dụng nhiều nước. Do đó, người sử dụng nhiều chất kích thích thường sẽ có cảm giác nóng trong.

Sử dụng thuốc hoặc các loại thực phẩm chức năng

Đây là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây nóng trong. Các loại thuốc như thuốc chống dị ứng, thuốc huyết áp, thuốc chống ngạt mũi, thuốc chống trầm cảm, kháng sinh, thuốc giảm đau, các loại hormone… dễ gây nóng khi sử dụng với liều cao, trong thời gian dài. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các tác dụng phụ này sẽ khác nhau tùy từng người.

Một số bệnh lý

Các tình trạng như nhiễm trùng, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, mất ngủ, rối loạn thần kinh cũng có thể là nguyên nhân gây nóng trong. Cường giáp cũng có thể là nguyên nhân gây nóng trong bởi khi đó, cơ thể sẽ sản xuất ra quá nhiều hormone thyroxine, làm tăng tốc quá trình trao đổi chất, dẫn đến tăng thân nhiệt và nóng trong.

Chế độ ăn không hợp lý

Bất cứ sự mất cân bằng nào trong chế độ ăn uống như ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng, ăn ít chất xơ (rau củ, trái cây), ăn quá nhiều tinh bột, ăn quá nhiều muối… đều có thể dẫn đến các biểu hiện nóng trong.

Như vậy, có thể nói, thực phẩm không phải là nguyên nhân gây nóng trong mà là do thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, khiến cơ thể thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Từ đó, quá trình trao đổi chất của cơ thể bị rối loạn, dẫn đến các biểu hiện nóng trong như mụn nhọt, mề đay, mẩn ngứa, táo bón, khó tiêu…

Một số bài thuốc có công năng chữa chứng hoả theo các thể trạng thường gặp

Thể can vị hỏa: người bệnh biểu hiện bốc hỏa lên đầu và vượt ra ngoài như nóng, thường đau nóng đỉnh đầu, mặt đỏ, miệng khô khát… Phép trị là thanh can, mát vị giáng hỏa, giải nhiệt tà… Dùng bài Tả vị can hỏa thang: cát căn 120g, nhân sâm 40g, thăng ma 12g, thanh hao 12g, hoàng kỳ 12g, cam thảo 6g. Sắc uống. Công dụng: thanh hỏa dưỡng âm, giáng hỏa, ích nguyên khí… Trị các chứng hỏa hay đau đầu miệng khô khát, mặt đỏ, ra nhiều mồ hôi, đầu nóng, tiểu vàng, táo bón…

Thể phế hỏa: người bệnh biểu hiện miệng khô khát, họng như có lửa đốt, hay bị ho khan đàm vàng… Phép trị là thanh phế thanh vị dưỡng âm, ích khí sinh huyết, giáng hỏa… Dùng bài Tả phế vị hỏa thanh vị thang: sinh địa 20g, nhân sâm 20g, trúc diệp 20g, cúc hoa 16g, đơn bì 16g, bạch giới tử 12g, trần bì 12g, mạch môn 20g. Sắc uống. Công dụng: thanh phế, mát vị dưỡng âm, giáng hỏa… Trị các chứng hỏa miệng khô khát như có lửa đốt ở họng, ăn mau đói, táo bón, người nóng ra nhiều mồ hôi…

Thể thận hỏa: biểu hiện nóng vùng thắt lưng và hai bàn chân, nước tiểu vàng… Phép trị là thanh thấp nhiệt, dưỡng âm, thông ứ. Dùng bài Tri bá địa hoàng hoàn: thục địa 32g, hoài sơn 18g, đơn bì 18g, sơn thù 12g, phục linh 12g, trạch tả 14g, sa tiền tử 10g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g. Sắc uống. Công dụng: tư âm giáng hỏa thanh thấp nhiệt.

Thể hư hỏa: người bệnh biểu hiện hay bốc nóng lên đầu mặt, miệng khô khát, táo bón… Phép trị là bổ âm thanh hỏa. Dùng bài Lục vị hoàn gia giảm: thục địa 24g, hoài sơn 12g, sơn thù du 12g, đơn bì 9g, trạch tả 9g, phục linh 9g. Gia: ngưu tất 12g, mạch môn 12g, ngũ vị tử 8g. Các vị tán mịn, luyện mật làm hoàn, ngày uống 8-12g, uống với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt.

Người xưa có câu “Lão nhi bất ly lục vị”, hàm ý khi điều trị cho người già và trẻ em cần quan tâm đến dưỡng âm, nếu âm huyết đầy đủ thì hỏa tự lui, người khỏe ít bệnh tật

RELATED ARTICLES
- Advertisment -spot_img

Most Popular

Recent Comments